Ông có thể đánh giá về hiệu quả, tiềm năng ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản của Phú Yên thời gian qua?
Với gần 3.000 ha mặt nước lợ và hơn 30.000 lồng nuôi thủy, hải sản các loại, mỗi năm, vùng phát triển nuôi trồng thủy hải sản Phú Yên luôn cho sản lượng trên 10.000 tấn, trong đó, có 600 – 650 tấn tôm hùm và 7.800 tấn tôm sú, tôm thẻ chân trắng… Điều này đã góp phần mang lại giá trị sản xuất cao trong lĩnh vực thủy sản và đóng góp vào nguồn thu đáng kể cho địa phương.
Xác định đây là một trong những mũi nhọn kinh tế, tỉnh Phú Yên đã đề ra giải pháp cho những năm tiếp theo bằng việc ban hành kế hoạch hành động tái cơ cấungành thủy sản Phú Yên, theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 6%/năm. Trong đó, giá trị khai thác thủy sản tăng trưởng bình quân trên 2,4%/năm, giá trị nuôi trồng thủy sản tăng trưởng bình quân trên 6,5%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị xuất khẩu thủy sản đạt trên 6%/năm. Đến năm 2020, thu nhập bình quân lao động thủy sản cao gấp 2,5 lần so với năm 2010.
Kế hoạch cũng đặt mục tiêu vào năm 2030, ngành thủy sản cơ bản đạt trình độ công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tiếp tục phát triển toàn diện, tăng trưởng hướng theo chất lượng, ổn định, bền vững và trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có cơ cấu và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, ông có thể cho biết những giải pháp cụ thể để định hướng các sở, ngành, doanh nghiệp, hộ gia đình, cũng như cá nhân, trực tiếp đánh bắt, sản xuất triển khai?
UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương hướng dẫn và chỉ đạo tập trung vào các giống nuôi có giá trị kinh tế ổn định quy mô trên diện tích khoảng 11.000 ha, như: tôm thẻ chân trắng trên địa bàn huyện Đông Hòa; nuôi tôm sú, tôm hùm, cá bóp, cá mú ở thị xã Sông Cầu và huyện Tuy An… Để đến năm 2020 giữ ổn định sản lượng khai thác, đánh bắt thủy sản khoảng 53.000 tấn/năm, trong đó, sản lượng cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to khoảng 6.500 tấn/năm, sản lượng cá ngừ vằn khoảng 17.500 tấn/năm, tổng số tàu cá khoảng 6.200 chiếc, trong đó, tàu có công suất từ 90CV trở lên khoảng 1.700 chiếc, chủ yếu khai thác hải sản xa bờ và tàu dịch vụ hậu cần khai thác xa bờ.
Đặc biệt, mở rộng áp dụng hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm theo ISO, HACCP, GMP, SSOP…, nghiên cứu và đầu tư ứng dụng công nghệ trong bảo quản và chế biến sau thu hoạch, công nghệ cấp đông sản phẩm (CAS), giảm tỷ lệ thất thoát và tiêu thụ có giá trị cao. Phát triển chế biến, tiêu thụ thủy sản trong mối liên kết chuỗi sản xuất nuôi trồng, khai thác, chế biến, thương mại sản phẩm thủy sản để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ngư dân khai thác.
Đồng thời, tập trung đầu tư các nhà máy chế biến và xuất khẩu cá ngừ đại dương, năng suất dự kiến 2.000 – 3.000 tấn sản phẩm/năm; xây dựng các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá tại thị xã Sông Cầu và TP. Tuy Hòa, diện tích 10 ha, đáp ứng cho 1.000 tàu. Ngoài các dự án trên, tỉnh còn tập trung đầu tư theo danh mục đã được UBND tỉnh đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Để thực hiện các giải pháp trên có hiệu quả, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho ngành thủy sản, đào tạo nghề cho ngư dân cũng phải quan tâm đúng mức nhằm đáp ứng nhu cầu và trình độ phát triển sản xuất.
Biến đổi khí hậu đang đe dọa lớn đến ngành nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản. Chưa kể, trình độ và công nghệ canh tác, đánh bắt, nuôi trồng còn lạc hậu, chất lượng con giống không đảm bảo… đã gây thiệt hại không nhỏ cho người dân, ông có lời khuyên nào cho họ?
Doanh nghiệp, người nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản theo hướng bền vững sẽ đóng góp quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công và góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà. Trong những năm qua, có một số doanh nghiệp đã sản xuất kinh doanh thành công, như CTCP Ba Hải, Công ty TNHH Nguyễn Hưng trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu… Đặc biệt, Doanh nghiệp tư nhận Thủy sản Đắc Lộc đã thành công với mô hình sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao. Đây là mô hình sản xuất kinh doanh khép kín, đã được Tổ chức Bureau Veritas (Pháp) cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và Đắc Lộc là một trong những doanh nghiệp nuôi tôm đầu tiên tại Việt Nam được công nhận đạt tiêu chuẩn này. Với quy trình sản xuất khép kín, Doanh nghiệp Đắc Lộc đã và đang kiểm soát chặt chẽ chất lượng từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm, nên đủ tiêu chuẩn xuất sang các thị trường khó tính trên thế giới và cũng là một trong những doanh nghiệp nuôi tôm đầu tiên của tỉnh áp dụng tiêu chuẩn thực hành tốt toàn cầu.
Hơn nữa, Doanh nghiệp tư nhân Thủy sản Đắc Lộc đã xây dựng được chuỗi liên kết rất tốt giữa Nhà nước, nhà khoa học, nhà sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm, đạt hiệu quả cao về kinh tế, môi trường và xã hội, nên đây là một mô hình cần được nhân rộng trong thời gian tới.