Kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng
Trong “Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á” vừa công bố, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính thiệt hại do Covid-19 gây ra trên toàn cầu có thể lên tới 4.100 tỷ USD, tương đương gần 5% tổng GDP thế giới.
Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) hôm 9/3, các chuyên gia cảnh báo chủng virus corona mới có thể khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống dưới mức 2.5%, điểm được xem là ngưỡng suy thoái với kinh tế thế giới.
Tình trạng thất nghiệp gia tăng: Số liệu do Bộ Lao động Mỹ công bố 3/4/2020 cho biết 701.000 việc làm đã bị cắt giảm trong tháng 3/2020. Đây là mức giảm hàng tháng lớn nhất trong 11 năm trở lại đây (kể từ tháng 3/2009).
Về tài chính: Các nhà phân tích của Moody’s dự báo số vụ vỡ nợ của các công ty trên toàn cầu sẽ tăng lên khi COVID-19 tiếp tục tấn công các nền kinh tế. Trường hợp suy giảm tăng trưởng mạnh nhưng ngắn hạn thì tỷ lệ vỡ nợ toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên mức 6,8%. Còn nếu có đủ các điều kiện tương tự như một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu thì con số sẽ là 16,1%.
Việt Nam không nằm ngoài “vòng xoáy” thiệt hại
Khảo sát gần nhất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) trên 1.200 doanh nghiệp về ảnh hưởng của Covid-19 tới hoạt động kinh doanh cho thấy, nếu COVID-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp có thể sẽ phá sản. Nguyên nhân chủ yếu do doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng… Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì là hàng không, du lịch (lưu trú, khách sạn, ăn uống), giáo dục, dệt may, da giày, …
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã công bố “Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO 2020)”. Trong đó, tổ chức này nhận định kinh tế Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch, về cả nguồn cung lẫn nhu cầu. Hàng loạt lĩnh vực, từ chế biến chế tạo, bán lẻ, xuất nhập khẩu đều đi xuống trong quý I.
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tới doanh nghiệp ngành dịch vụ ăn uống: Nếu như tháng 1/2020, các nhà hàng giảm doanh thu từ 10% – 20%, thì trong tháng 2, tháng 3 con số đó đã lên đến 50% – 70%. Từ 1/4, tất cả các nhà hàng phải đóng cửa theo yêu cầu của chính phủ ít nhất tới 15/4. Đồng nghĩa với doanh thu về 0. Chi phí phòng dịch (Khẩu trang, Dung dịch rửa tay, phun sát khuẩn nhà hàng), khuyến thị, khuyến mãi tăng.
Dù vắng khách hay phải đóng cửa không hoạt động trong mùa dịch, các doanh nghiệp vẫn phải trả phí thuê mặt bằng vài chục triệu, thậm chí cả trăm triệu/tháng. Sức ép trả tiền thuê mặt bằng và sự lo ngại sau dịch kết thúc thì nhu cầu ăn uống cũng sẽ giảm đã khiến cho nhiều nhà hàng ăn uống “cực chẳng đã” phải trả lại mặt bằng, cho nhân viên nghỉ việc chấp nhận bỏ đi nhiều tỷ đồng đã đầu tư.
Dịch vụ ăn uống tìm cách vượt “bão” Covid-19
Giải pháp từ chính doanh nghiệp
Mọi hành động đều phải xuất phát từ mục tiêu. Tùy từng doanh nghiệp sẽ lựa chọn cho mình những mục tiêu cụ thể, từ đó sẽ có những giải pháp cụ thể phù hợp với thực trạng của doanh nghiệp.
Hệ thống “Nhà hàng Siêu thị Thế Giới Hải Sản” đặt ra các mục tiêu chiến lược gồm: Giữ được việc làm cho CBCNV; Duy trì hoạt động; Giảm bớt phần nào thua lỗ; Không mất thanh khoản hay khủng hoảng dòng tiền; Phục hồi kinh doanh sau dịch.
Để có thể đạt được các mục tiêu đó, ngay từ tháng 1, Thế Giới Hải Sản đã lập tức tiến hành các hoạt động: Tăng cường các biện pháp vệ sinh phòng dịch cho không gian nhà hàng và CBCNV, bảo đảm “Thế Giới Hải Sản là điểm đến an toàn thứ 2 sau nhà của bạn”; Tiết giảm tất cả các chi phí vận hành trong nhà hàng như điện, nước, gas, …; Đóng một số khu vực của nhà hàng lại không phục vụ vì lượng khách giảm quá lớn; Kêu gọi CBCNV chấp nhận giảm 30%- 40% thu nhập để giảm chi phí nhân sự mà không phải cho nhân viên nghỉ việc hàng loạt.
Nhân sự cấp càng cao thì càng giảm nhiều. Việc giảm trừ là tự nguyện. Thường xuyên động viên người lao động chung tay cùng doanh nghiệp vượt khó với tiêu chí CBCNV là tài sản quý nhất của doanh nghiệp; Tăng thêm các trương trình khuyến mãi như: chương trình “Blue Weekend”: Vào thứ 7, Chủ Nhật giảm giá tới 30, 50, 70% một số mặt hàng được khách hàng ưa chuộng.
Bên cạnh đó, hệ thống cũng đề nghị đối tác hỗ trợ giảm giá cho thuê mặt bằng trong tình trạng bất khả kháng do dịch bệnh; Trong trường hợp phải đóng cửa theo yêu cầu của Cơ quan Chính quyền, duy trì bảo dưỡng, bảo trì toàn bộ cơ sở vật chất và công cụ dụng cụ; Đặc biệt, nhanh chóng tái cơ cấu, tổ chức và đẩy mạnh việc bán hàng online, chế biến và phục vụ khách hàng tại nhà.
Chính sách hỗ trợ của chính phủ
Để giảm “sốc” vì COVID-19, Chính phủ tuyên bố sẽ có các gói hỗ trợ hàng trăm nghìn tỷ đồng cho người dân và doanh nghiệp: Gói 61.580 tỷ đồng cho người yếu thế trong xã hội và lao động mất việc; Gói hỗ trợ tín dụng 285.000 tỷ đồng; Gói 180.000 tỷ đồng nhằm giãn, hoãn tiền thuế, thuê đất; Doanh nghiệp được vay không lãi trả lương nhân viên; Giảm giá điện…Tuy nhiên, đáng tiếc là phần lớn những gói hỗ trợ nay vẫn đang trong tình trạng dự thảo, chưa được phê duyệt.
Ở mỗi nền kinh tế quốc gia hay lãnh thổ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể giữ các vai trò với mức độ khác nhau. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng trên 97% tổng số các doanh nghiệp, hoạt động trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân, đóng góp khoảng trên 40% GDP, giải quyết trên 50% việc làm của nền kinh tế, chiếm trên 15% kim ngạch xuất khẩu,…
Đặc điểm nổi bật của đối tượng này là tính linh hoạt cao, có thể nhanh chóng chuyển đổi phương thức hoạt động. Tuy nhiên doanh nghiệp nhỏ và vừa thường có năng lực cạnh tranh thấp bởi thiếu vốn, khó tiếp cận tín dụng do thiếu tài sản thế chấp, chậm đầu tư đổi mới công nghệ, năng lực quản lý hạn chế… Vì vậy trong hoàn cảnh khủng hoảng do đại dịch, doanh nghiệp nhỏ và vừa thường rất dễ bị tổn thương.
Do vậy các chính sách hỗ trợ của Chính phủ nên ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu kém của loại hình doanh nghiệp này. Việc hỗ trợ cần nhằm vào việc giảm nghĩa vụ tài chính với nhà nước, cải thiện khả năng thanh khoản, kéo dài khả năng chống đỡ của doanh nghiệp.
Đối với ngành dịch vụ ăn uống, đại đa số là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, việc gia hạn thời gian nộp, miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, gia hạn hoặc miễn đóng BHXH trong giai đoạn này là vô cùng cấp bách.
Các cơ quan Chính phủ, các tổ chức hiệp hội cần có những hỗ trợ pháp lý trong tranh chấp đối với hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp và người lao động, hợp đồng giữa các doanh nghiệp với các đối tác cung ứng hàng hóa và cho thuê mặt bằng.
Đặc biệt, chi phí thuê mặt bằng là một trong những khoản chi phí cố định chiếm tỷ trọng lớn trong các doanh nghiệp dịch vụ ăn uống. Nếu bên cho thuê mặt bằng không giảm hoặc miễn tiền thuê trong giai đoạn xảy ra đại dịch thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng: Đại đa số các nhà hàng buộc phải đóng cửa, tuyên bố phá sản, trả lại mặt bằng; Nạn thất nhiệp sẽ tiếp tục kéo dài; Rất nhiều tỷ đồng đã đầu tư sẽ vứt bỏ đi (ví dụ có 10.000 nhà hàng đóng cửa, mỗi nhà hàng đầu tư 3 tỷ thì con số lãng phí là 30.000 tỷ, số người thất nghiệp là 200.000 đến 300.000 người); Sức cạnh tranh của du lịch của Việt Nam yếu hẳn đi khi hình ảnh vể một “Bếp ăn của thế giới” sẽ không còn phong phú đa dạng như trước.
Ngoài ra sẽ gia tăng tranh chấp dân sự đối với các hợp đồng giữa doanh nghiệp và người lao động, hợp đồng giữa các doanh nghiệp với các đối tác cung ứng hàng hóa và cho thuê mặt bằng. Nếu được Chính phủ và bên cho thuê mặt bằng hỗ trợ, ngành dịch vụ ăn uống có thể sẽ sớm khôi phục hoạt động trở lại. Người lao động có việc làm giúp cho an sinh xã hội tốt hơn. Du lịch Việt Nam sẽ hồi phục nhanh hơn, góp phần khôi phục kinh tế cả nước. Giá thuê mặt bằng sẽ sớm ổn định trở lại như trước và khi đó người cho thuê sẽ lại được hưởng lợi từ giá thuê tăng.
Vì vậy việc Chính phủ đưa ra các qui định, hướng dẫn, khuyến nghị, động viên các đơn vị, cá nhân có mặt bằng cho thuê giảm hoặc miễn tiền thuê trong điều kiện bất khả kháng do dịch bệnh gây ra là vô cùng cần thiết.
Cuối cùng, doanh nghiệp dịch vụ ăn uống, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như tất cả các doanh nghiệp đều mong Chính phủ sớm cân đối ngân sách, nhanh chóng phê duyệt các gói hỗ trợ cụ thể cho từng nhóm ngành nghề. Đây sẽ là nguồn động viên lớn lao giúp cho doanh nghiệp có niềm tin, lên kế hoạch cụ thể để vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động trong dịch, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh sau dịch COVID-19.
Tầm ảnh hưởng của thiệt hại do đại dịch gây ra cho kinh tế thế giới, Việt Nam nói chung và doanh nghiệp dịch vụ ăn uống là quá lớn. Tuy nhiên chúng ta có thể nhìn thấy một số khía cạnh ảnh hưởng tích cực trong ngành dịch vụ ăn uống: Chất lượng sản phẩm dịch vụ và uy tín doanh nghiệp được tôn vinh.
Sau dịch, các doanh nghiệp có uy tín, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng về không gian, sản phẩm, dịch vụ và đặc biệt là VSATTP sẽ có cơ hội hồi phục và phát triển tốt hơn; Ý thức về VSATTP của khách hàng và Doanh nghiệp, chất lượng của ngành nói chung sẽ được nâng cao.
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thực hành chống lãng phí, tăng cường quản trị chi phí, chỉnh đốn đội ngũ, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, lành mạnh tài chính; Người lao động trân trọng công việc đang có hơn và nâng cao ý thức xây dựng đội ngũ.
(Trong bài viết có sử dụng các số liệu được đăng tải trên các trang báo mạng chính thống. Bài viết nêu quan điểm cá nhân của tác giả. Rất mong nhận được các ý kiến đóng góp, tư vấn. Trân trọng.)
TS. Đoàn Minh Phú
Giám đốc Chuỗi “Nhà hàng Siêu thị Thế Giới Hải Sản”
Trích: Tạp chí công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/chiu-anh-huong-nang-ne-nganh-dich-vu-an-uong-tim-cach-vuot-bao-covid-19-70539.htm?fbclid=IwAR0nEItzRvaSVsKDJN2z5HtsgygjfC7XqC8TPV_eHcktvPHfFZNMjJHpxSc